Thành công từ sự cống hiến hết mình

6
Đam mê bóng đá, cựu cầu thủ quốc gia, huấn luyện viên Đoàn Thị Kim Chi không ngừng vươn lên đỉnh cao thành tích. Cô được mệnh danh “vua danh hiệu”, “nữ tướng”, “người truyền lửa” với những mốc son: 4 lần đạt quả bóng vàng; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2005; Đảng viên từ năm 2010; đưa đội bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh đạt vô địch quốc gia năm 2015, 2016 ngay khi làm huấn luyện viên trưởng… Trong một cuộc trò chuyện, Kim Chi chia sẻ về nghề và đội bóng.

Kinh nghiệm trên sân cỏ, chị thấy yếu tố nào quyết định chiến thắng của một đội bóng?
Trước hết, đội bóng phải có cầu thủ chất lượng; tiếp đến là phương pháp huấn luyện của huấn luyện viên phải phù hợp cầu thủ; đội bóng được cấp lãnh đạo tạo điều kiện; ngoài ra còn phụ thuộc vào sức mạnh của đội đối phương.
Làm cầu thủ rồi huấn luyện viên, theo chị điều gì cần cho một nữ cầu thủ gắn bó lâu dài với đội bóng?
Ở thành phố, nhiều em đá bóng rất tốt nhưng cha mẹ xót con không cho tập luyện vì bóng đá nữ chơi rất khó khăn, vất vả, tập ngoài nắng ngoài mưa, khi thi đấu có tính đối kháng mạnh, sự va chạm ở một tốc độ nhanh có thể xảy ra nguy hiểm. Một nữ cầu thủ bắt buộc phải có: niềm đam mê lớn, thể lực tốt để vận động ở cường độ cao, năng khiếu về bóng đá, tinh thần đồng đội; về khách quan thì cần có chế độ phù hợp cho cầu thủ ăn uống, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, điều trị chấn thương, sân bãi tập luyện đạt tiêu chuẩn, thiết bị dụng cụ tập luyện hiện đại…
Chị làm thế nào phát huy hết khả năng cầu thủ đưa đội bóng đá nữ TPHCM vô địch quốc gia 2 năm liên tiếp 2015, 2016?
Chi quan niệm mỗi người có một năng lực riêng, không thể yêu cầu em này đá được như em kia, miễn sao các em ấy tập luyện và thi đấu hết khả năng của mình. Bóng đá là môn hỗ trợ, tuyệt đối phải đoàn kết lẫn nhau để hướng đến cái chung. Cầu thủ chỉ cần ra sân thi đấu hết mình hết sức. Cái hay của sự hưng phấn là tạo ra những pha bóng đẹp.
Mục tiêu tiếp tục giữ được ngôi vô địch quốc gia có tạo nên áp lực cho đội bóng?
Trải qua nhiều trận đấu, Chi hiểu một điều: không đội bóng nào đứng trên đỉnh cao mãi mãi. Quan trọng là thi đấu hết mình hết sức. Đội bóng nào cũng có giai đoạn hưng và suy phụ thuộc vào con người. Cứ sau một mùa giải thì Ban huấn luyện tiến hành rút kinh nghiệm, tuyển chọn lại lực lượng, tập trung vào tập luyện. Đội bóng không chỉ chuẩn bị cho một mùa giải mà huấn luyện cho một cuộc đời cầu thủ. Nhiệm vụ của Ban huấn luyện là hướng dẫn cầu thủ hoàn thiện từ chuyên môn bóng đá, kỹ chiến thuật, đạo đức… đến việc học hành để khi nghỉ đá bóng các em có bằng cấp, công việc và không bị hụt hẫng.

Mục tiêu giữ ngôi vô địch là hết sức khó khăn vì đội nào cũng muốn hạ bệ đội vô địch. Thi đấu thành tích cao phải hướng đến mục tiêu chiến thắng, nhưng cũng chuẩn bị tâm lý không phải hôm nay thắng thì ngày mai sẽ thắng để giảm áp lực, điều hòa tâm lý. Điều cần làm là các cầu thủ phải tập luyện và thi đấu hết mình.
Chị đánh giá thế nào về đội hình bóng đá nữ thành phố hiện nay?
Đội tuyển gồm 25 cầu thủ ở độ tuổi 17 đến 32, có lợi thế về tính kế thừa. Kiều Trinh – thủ môn xuất sắc vẫn giữ phong độ tốt; Huỳnh Như – cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất mùa giải 2016; Chương Thị Kiều là cầu thủ nữ trẻ xuất sắc nhất Việt Nam năm 2015; các cầu thủ trẻ thi đấu tốt như Bích Thùy, Mỹ Anh, Hoài Lương, Tuyết Ngân…
Có hình tượng nào trong làng thể thao để chị phấn đấu theo không? 
Khi còn là cầu thủ, Chi từng được sự chỉ dạy của nhiều huấn luyện viên trong và ngoài nước. Ở mỗi người, Chi cảm mến và học được nhiều điều làm hành trang định hướng cho mình từ sự nghiêm khắc, sự hòa nhã, hiểu tâm lý vận động viên, lựa chọn cầu thủ ở thời điểm có phong độ thi đấu cao…
Chị có kỷ niệm đặc biệt nào trong sự nghiệp bóng đá của mình?
Chiến thắng hay thất bại đều có quá nhiều kỷ niệm! Chi hạnh phúc nhất là được hát quốc ca khi đạt huy chương vàng trong các kỳ Seagames, một cảm giác rất hưng phấn, thiêng liêng, tự hào vì mình đã làm được điều mong đợi của đồng đội, của những người hâm mộ.
Với bóng đá nữ, chị còn gì trăn trở?
Chi mong muốn bóng đá nữ được quan tâm hơn từ huấn luyện viên cho đến cầu thủ. Chế độ đãi ngộ hiện nay chưa cao. Mọi người thường nói bóng đá nữ có tiếng nhưng không có miếng, ngay cả các huấn luyện viên đeo đuổi theo nghề vẫn mơ ước có thể mua nhà trả góp vì an cư mới lạc nghiệp.