Câu chuyện thường ngày

14

Tham gia kháng chiến suốt hai thời kỳ, ngay trong lòng địch, giữa thành phố Sài Gòn, bà Lê Thị Vĩnh Cửu có cái tên thân quen – Dì Sáu Bình đã ba lần vào tù ra khám, nếm đủ mùi tra tấn ác nghiệt, dã man của Ngụy quyền. Nối tiếp những năm tháng dài chiến đấu và tù đày đầy sóng gió, gian nguy trong cuộc đời người mẹ “lòng dạ sắt son” ấy, một đứa con gái và bốn con trai lần lượt ra đời. Nhưng nào được êm ả gì đâu. Tình mẫu tử, hạnh phúc gia đình làm sao giữ được khi đất nước còn đang chiến tranh, chúng phải xa cha mẹ mỗi đứa một nơi sống với bà con cô bác. Càng éo le hơn, khi đứa con trai út chào đời vào năm Mậu Thân 1968, là lúc người mẹ vô cùng đau đớn hay tin chồng hy sinh. Từ đó một mình hàng ngày làm lụng vất vả nuôi bốn đứa con khôn lớn. Bà chỉ mong muốn mình có được nhiều sức khỏe để làm việc thật nhiều chăm sóc cho con cái vì cơ thể luôn bị đau nhức do những trận đòn tra tấn dã man để lại.

Ở tuổi xấp xỉ “Cổ lai hy”, bà mẹ ấy ngày nay luôn bận rộn với công việc xã hội. Bà con ở khu phố 3 phường Cầu Ông Lãnh thường gọi thân mật là dì Sáu Bình gần 80 tuổi đời với 60 tuổi Đảng. Lẽ ra ở tuổi này, dì đã an nhàn, hưởng một cuộc sống sung túc bên cạnh bốn người con hiếu thảo. Nhưng với dì – cuộc sống chỉ vui sướng, hạnh phúc khi người xung quanh mình hết khổ. Chính vì cái quan niệm sống này mà dì luôn gắn bó mật thịết với khu phố, với bà con nghèo. Dì thường tìm hiểu hoàn cảnh của bà con rồi tìm cách giúp đỡ: Gia đình nào đông con lại quá nghèo cần một số vốn để lập nghiệp, dì giới thiệu đi vay quỹ XĐGN ở phường. Còn hộ nào cần vốn buôn bán nhỏ thì dì sẵn lòng xuất quỹ… cá nhân ra giúp đỡ. Dì Sáu tâm sự: “Mình nhịn ăn một chút, bớt tiêu xài một chút thì có thể giúp đỡ được bà con”. Chuyện Dì Sáu Bình giúp đỡ bà con nghèo, người ba trăm, người hai trăm, một trăm… đã trở thành chuyện thường ngày ở khu phố. Như trường hợp gia đình chị Mai đông người, nghèo, có nghề uốn tóc nhưng không có vốn, dì Sáu giới thiệu chị Mai lên phường vay vốn và dì còn trợ giúp thêm để chị mở tiệm uốn tóc, giờ đây gia đình chị đã có cuộc sống ổn định, không còn cảnh bữa đói bữa no. Hay như dì Ba gần 50 tuổi, sống một mình không có họ hàng thân thuộc, không nghề nghiệp do bị tinh giảm biên chế, dì Sáu giúp đỡ bằng cách đi mướn mặt bằng của khu phố và cho mượn vốn để bán tạp hóa. Nhờ bán hàng mà dì Ba có được niềm vui, vừa tránh được cảnh thất nghiệp. Dì nói: “Chị Sáu Bình là ân nhân của đời tôi, đã tạo việc làm cho tôi, ơn này tôi không quên được”. Và còn rất nhiều hoàn cảnh khác được dì Sáu Bình giúp đỡ. Ngoài việc giúp đỡ bà con về vật chất, dì Sáu còn quan tâm đến đời sống tinh thần của bà con, nhất là những cụ già trong khu phố. Dì vận động bà con tham gia vào CLB ông bà cháu để hai thế hệ già – trẻ hiểu nhau hơn. Ngoài ra, còn tổ chức các buổi văn nghệ “Hát với nhau” tại nhà dì vào chiều thứ hai, thứ tư hàng tuần và là một cây vận động quyên góp tiền giúp đỡ bà con bị lũ lụt, ma chay… Là người của công việc, lúc nào cũng bận rộn, dù lớn tuổi nhưng vẫn kiêm rất nhiều chức: Chủ nhiệm CLB cán bộ phụ nữ hưu trí quận, Trưởng ban liên lạc nữ tù chính trị Côn Đảo quận 1, Chủ tịch Hội Người cao tuổi. Những việc làm của dì Sáu được mọi ngưởi xung quanh biết đến, cảm phục và đã được Thành phố – quận và phường tặng nhiều bằng khen, giấy khen mà dì Sáu không nhớ hết. Hiếm có người nào có lòng nhân ái, thương người, hay giúp đỡ bà con nghèo như dì Sáu – đúng là tấm gương cho mọi người noi theo.

Xuân về, chúng ta bày tỏ lòng bíết ơn sâu sắc đến những con người đã từng chiến đấu hy sinh thân mình cho cách mạng, đem lại bình yên cho quê hương. Mỗi khi nhắc đến những người chiến sĩ ấy, chúng ta cảm thấy hạnh phúc tự hào trong những năm tháng khói lữa vang dội chiến công của lịch sử nước nhà. Xin chúc cho dì có nhiều sức khỏe cùng niềm vui bên con cháu và xóm giềng.