Hòa trong không khí ấm áp, nhộn nhịp những ngày cuối năm, Viện Kiểm sát Nhân dân Quận 1 cũng phấn khởi trước những nhiệm vụ đã hoàn thành: các mặt công tác đều đạt chỉ tiêu và kế hoạch đề ra. Nhưng đâu đó trong cái niềm vui ấy – những người có trách nhiệm vẫn thấy cộm lên nỗi băn khoăn, lo lắng về một bộ phận đối tượng đang ngày càng gia tăng: tội phạm vị thành niên.
Xã hội luôn có hai mặt: gắn liền với sự phát triển đi lên của một đất nước là những tệ nạn, tiêu cực xã hội ngày một tăng nhanh. Thành phố chúng ta đang trong quá trình đô thị hoá mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội… nên cũng không nằm ngoài quy luật đó. Điều đáng báo động là vấn đề phạm tội của lứa tuổi vị thành niên đang chiếm một tỷ lệ đáng kể và diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi sự quan tâm của gia đình, xã hội và các cơ quan bảo vệ pháp luật phải có biện pháp xử lý thích hợp nhằm đảm bảo an toàn trật tự cho cộng đồng và bảo vệ sự phát triển cho xã hội trong tương lai. Theo thống kê: Năm 2005, toàn Thành phố có 10.208 người bị khởi tố thì số lượng người chưa thành niên đã chiếm 8,12% với 829 người, tập trung nhiều là các tội cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản, giết người, cố ý gây thương tích, mua bán ma tuý… Riêng năm 2006, trên địa bàn Quận 1 có 493 em bị khởi tố, số người chưa thành niên chiếm 9,10%: phần lớn những đối tượng này đều có học vấn thấp, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, nhận thức xã hội hạn chế…
Thực tế dẫn đến việc phạm tội của người chưa thành niên có nhiều nguyên nhân, nhưng tựu chung thì môi trường giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội là những nhân tố chính. Qua buổi giám sát của Hội Đồng Nhân Dân Quận 1 và Hội nghị nâng cao chất lượng Tư pháp do Quận 1 tổ chức đã có một số phân tích, nhận xét đặc điểm nhân thân của người chưa thành niên phạm tội trong một số vụ án gần đây cho thấy: đa số tội phạm vị thành niên được lớn lên trong những gia đình có cha mẹ ít quan tâm đến việc giáo dục con cái, cha mẹ làm ăn phi pháp, có lối sống không lành mạnh, hoặc quá nuông chiều những thói quen không tốt của con cái hay có cách giáo dục quá thô bạo không phù hợp: chửi bới, đánh đập, xâm phạm tính mạng sức khỏe… dần dần tạo nên những tính cách ích kỷ, ỷ lại, chai lỳ, bướng bỉnh, bất cần đời… để rồi sau đó chúng có những hành vi bất thường, bắt chước, sa ngã, xem thường pháp luật dẫn đến phạm tội.
Gia đình có vị trí rất quan trọng để hình thành nên nhân cách của người chưa thành niên: tác động trực tiếp và thường xuyên từ lối sống, cách hành xử mà đôi khi vô tình chính cha mẹ, người lớn đã “dẫn đường” cho những đứa con của mình phạm tội. Sau gia đình là trường học và xã hội. Áp lực học hành ngày nay quá nặng nề, thức giáo dục đạo đức, pháp luật chưa cao, những tác động xấu bên ngoài xã hội sẽ khiến người chưa thành niên đi vào con đường phạm tội một cách dễ dàng. Đến lúc ấy, vấn đề phạm tội của người chưa thành niên không chỉ còn là trách nhiệm của bản thân trước pháp luật hay vấn đề gây nỗi đau, mất mát, hụt hẫng cho gia đình, người thân mà còn mang đến một gánh nặng cho xã hội. Người chưa thành niên là đối tượng có đặc thù riêng về tinh thần, thể chất nên các biện pháp và thủ tục tố tụng chủ yếu chỉ mang tính giáo dục chứ không phải trừng phạt, gây không ít khó khăn phức tạp cho những người làm công tác điều tra, khởi tố. Các vấn đề liên quan đến tội phạm chưa thành niên như việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn như thế nào, tìm người giám sát giám hộ ra sao, rồi phải cần đến sự tham gia tố tụng của gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội, đến đường lối nào để xét xử… cũng rất nhiêu khê và mất nhiều thời gian cho những người làm công tác điều tra, tố tụng, xét xử và gia đình, xã hội và bản thân người phạm tội.
Là Quận trung tâm Thành phố – nơi tập trung các hoạt động kinh doanh thương mại, du lịch thu hút nhiều du khách trong ngoài nước đến tham quan, mua sắm, học tập, làm việc… do vậy tình hình tội phạm cũng ngày một tăng, phức tạp nên việc ngăn ngừa tội phạm, điều tra xét xử rất khó khăn, đặc biệt là đối với người vị thành niên. Vì thế, hơn ai hết chính gia đình là nơi phòng ngừa tôi phạm vị thành niên một cách hữu hiệu nhất. Mùa Xuân là sự khởi đầu của một năm mới, gia đình là nơi bắt đầu của một con người. Để xã hội bớt đi những gánh nặng, gia đình bớt đi những nỗi đau và đất nước bớt đi những con người không tốt, sao không bắt đầu từ những mùa xuân nho nhỏ trong mỗi gia đình?