Tọa đàm “Phát huy vai trò của cộng đồng tôn giáo trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị”.

6

Sáng ngày 15/10/2009, Quận ủy, Ủy ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 1 đã tổ chức buổi tọa đàm “Phát huy vai trò của cộng đồng tôn giáo trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị”. Đến dự có đông đủ các chức sắc, chức việc, tín hữu đại diện cho 49 cơ sở tôn giáo và đại diện các cấp lãnh đạo thành phố và quận 1.


Nhiều ý kiến đóng góp đã nhấn mạnh tầm quan trọng về giáo dục đạo đức con người thông qua truyền thụ triết lý tôn giáo mang tính nhân văn đồng thời kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ chia sẻ những khó khăn trong cộng đồng xã hội.


Trong tham luận, Luật sư Phan Thị Việt Thu cho rằng: “Tôn giáo không chỉ có những quy điều giới luật, ràng buộc người tín đồ phải tu sửa tánh tình từ xấu thành tốt mà các tôn giáo còn có hệ thống giáo lý dạy con người phải biết hiến dâng, giúp đỡ đồng loại, phụng sự cộng đồng, góp phần tạo dựng một xã hội nhân sinh thịnh vượng, an lạc, thái hòa, văn minh trước khi nói đến phần giải thoát tâm linh”.


Chủ trương xây dựng nếp sống văn minh đô thị của Thành phố cũng tương đồng với việc triển khai cụ thể mục tiêu hướng đạo của tôn giáo. Do đó, hơn ai hết, người tín đồ tôn giáo là những nhân tố tích cực cùng cộng đồng sẻ chia và thực hiện.


Trong bài viết, linh mục Nguyễn Thanh Minh cho rằng “Người tín hữu tốt phải là người công dân tốt, nghĩa là chu toàn bổn phận của người công dân trong một đất nước”. Đồng thời, đề cao tình nhân ái giữa người với người: “Bản thân sống có nhân cách, có lối sống đẹp; muốn được người khác kính trọng, ta phải tự trọng chính mình”, đề cao tình nghĩa vợ chồng, hiếu thảo với ông bà cha mẹ và dùng các điều răn, giáo lý trong kich sách để làm dẫn chứng, phân tích trong giáo huấn thường ngày.


Theo Giáo sư Thượng Minh Thanh: “Tính tổ chức xã hội của nếp sống văn minh đô thị là cần thiết nhằm thúc đẩy, hướng tới một giá trị văn hoá giao tiếp ứng xử của cộng đồng, hạn chế sự tự phát cá nhân mà xa rời giá trị truyền thống. Đối với người tôn giáo, việc nghiêm túc hưởng ứng tính tổ chức xã hội về nếp sống văn minh, đời sống văn hóa đã trở thành Đạo lý”.


Về những giải pháp khắc phục và xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn quận 1, Hòa thượng Thích Thanh Sơn đã đề xuất trong công tác phối hợp giữa các cơ sở tôn giáo với chính quyền địa phương, và cho rằng: “Muốn nếp sống đô thị có văn minh, trước hết cần phải nâng cao dân trí, phát huy tinh thần sống theo pháp luật, và nhất là tập trung đào tạo con người có trình độ rèn luyện đạo đức cá nhân, bắt đầu giáo dục từ trong gia đình, nhà trường và môi trường mà con người có thể tiếp xúc”. Hòa thượng nêu dẫn chứng về phong cách sống của Hồ Chủ tịch, một người sống giản dị và khiêm tốn, luôn sống hài hòa với cuộc sống của người dân. Tấm gương đạo đức của Người là tấm gương của một bậc vĩ nhân, một vị lãnh tụ lỗi lạc, nhưng đó đồng thời là một tấm gương đạo đức của một người bình thường, trong chúng ta ai cũng có thể học theo để làm một người có nhân cách phẩm hạnh tốt, một người công dân tốt.


Một số các tôn giáo khác còn đề nghị đưa các tiêu chí văn minh đô thị vào các bài giáo lý, trong các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt tôn giáo để tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, nội dung tuyên truyền vừa phải mang tính giáo lý vừa phải phù hợp với luân lý đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam.


Cuối buổi Tọa đàm, bà Trần Thị Liên, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 1 phát biểu ý kiến:


“Xác định xây dựng nếp sống văn minh đô thị là một quá trình lâu dài và cần có lộ trình cụ thể mới đạt được hiệu quả như mong đợi. Đây là công việc hoàn toàn không đơn giản, đòi hỏi sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Muốn vậy, ngoài những giải pháp đã và đang thực thi, cần phải có sự quan tâm, hiến kế của tất cả các ban ngành đoàn thể, các cơ quan, đơn vị nhằm tạo điều kiện cho người dân được sống, làm việc và học tập trong một môi trường tốt nhất, đó là vấn đề có ý nghĩa và cần thiết trong một xã hội văn minh”.