Tìm gặp chứng nhân lịch sử trong không khí cả nước hân hoan kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4), tôi đến thăm cô Trịnh Thu Nga – người tình báo cách mạng, “thử lửa” qua nhiều nhà tù của Mỹ, hi sinh vì cái chung, kiên trung với Đảng, với Tổ quốc, hiện đang sống cùng gia đình ở đường Pasteur, quận 1.
ANH DŨNG TRONG THỜI CHIẾN
Tuổi 78, cô Thu Nga vẫn nét rắn rỏi, kiên định và đầy nhiệt tâm. Tháng 4 hết sức ý nghĩa trong ký ức cô, đó là ngày đất nước ca khúc khải hoàn, ngày chiến thắng của lòng yêu nước sắc son, hạnh phúc linh thiêng khi cô cùng các nữ tù thoát ngục tù tàn khốc, trở về với Đảng, với dân, với gia đình.
Sinh trưởng trong gia đình nuôi giấu cán bộ cách mạng và hoạt động quân báo đã tôi luyện ở cô lòng yêu nước, tinh thần thép, không sợ hãi đối mặt với hiểm nguy. Từ năm 1956, cô hoạt động tình báo khi làm thư ký Quốc hội của Chính quyền Sài Gòn. Cô còn là mắt xích cài người của ta vào Bộ Tham mưu Bộ binh. Mang tên “Út Huyền” khi cô bí mật công tác ở Mặt trận Trí vận thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam khu Sài Gòn – Gia định. Ở tổ chức công khai “Hội Bảo vệ Nhân phẩm và Quyền lợi Phụ nữ”, cô là Chánh văn phòng. Cô gái dũng cảm ngày đó còn vận chuyển vũ khí trong người, mặc áo dài, lái xe máy vào nội thành chuẩn bị cho trận đánh của quân ta năm Mậu Thân 1968. Cô bị bắt khi đưa tài liệu phụ vận cho Khu ủy tháng 12/1968, thủ tiêu tài liệu mật, song không thoát khỏi bị chỉ điểm và cực hình tra khảo ở Cục An ninh Quân đội, Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng, Nha Cảnh sát, nhà tù Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp, Côn Đảo. Ngày 29/4/1975 tại nhà tù Tân Hiệp, bom đạn ào ạt khiến cai ngục bỏ chạy khi quân ta tiến đánh vào thành phố, cô và các cựu tù dùng xà beng từ người trật tự tốt giúp đỡ để phá ngục và tìm đường về Sài Gòn, hòa chung niềm vui giải phóng ngày 30/4/1975.
Cô kể: “Trong tù không nuối tiếc gì! Đó là nơi tôi luyện con người, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, nơi dạy văn hóa, đạo đức, đối nhân xử thế, lý luận cách mạng, hướng dẫn đến với Đảng. Nhà tù thể hiện tình đồng chí cao cả, tình đồng tù thiêng liêng, sống chết có nhau, dám hi sinh”. Ở tù là đấu trí, đấu sức, đấu tinh thần với kẻ địch, quyết không phản bội Tổ quốc. Để xứng đáng là đảng viên, không xúc phạm Tổ quốc thiêng liêng dưới hình thức nào, cô nhớ: “Có khi bị bắt bước qua lá cờ đỏ sao vàng, bọn chúng xô tới, cô cố ý ngã xuống và lăn qua để không đạp lên lá cờ Tổ quốc”. Ngày 30/4/1975, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nước Việt Nam, ngập tràn niềm vui thống nhất, chiến thắng đế quốc xâm lược bằng xương máu của bao người yêu nước, ở cô Thu Nga là dấu tích của thương binh 2/4.
![]() |
CỐNG HIẾN NGÀY HÒA BÌNH
Đất nước hòa bình, độc lập, xây dựng từ đau thương, cô Thu Nga tiếp tục cống hiến với công việc Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính – Sở Thương binh Xã hội TP.HCM, tiếp đến là Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM. Đó là thời gian cô chăm lo hưu trí, thương binh, người có công cách mạng, gia đình liệt sĩ, trẻ đường phố, phụ nữ lầm lỡ, người nghiện.
60 tuổi về hưu, cô là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Từ thiện thành phố, Phó trưởng ban Thường trực Ban liên lạc Cựu nữ tù chính trị và tù binh thành phố, Trưởng Ban liên lạc Hưu trí – Bảo hiểm Xã hội thành phố, tham gia Ban liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh quận 1. Vận động xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho gia đình chính sách và người nghèo, cô mỉm cười: “Mỗi căn nhà được trao, cô có thêm niềm vui và cảm thấy yên lòng”. Cô còn góp hàng chục triệu đồng cho quỹ “Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc” như một cách thể hiện tình yêu Tổ quốc. Vai trò người cựu tù được cô xác định: “Giúp đỡ nhau khi khó khăn là nhiệm vụ, chăm lo giáo dục cho thế hệ trẻ là trách nhiệm, tuyên truyền giáo dục là việc phải làm của đảng viên, thăm hỏi động viên nhau giữ vững niềm tin vào Đảng là bổn phận”. Họp mặt hàng năm, cô cùng các cựu nữ tù thành phố tổ chức các hoạt động ý nghĩa: triển lãm kỷ vật trong tù, tái tạo lại thức ăn được làm trong tù, trình diễn văn nghệ, tác phẩm sáng tác trong tù do các cựu nữ tù biểu diễn.
Gương sáng kiên trung, cống hiến xây dựng và bảo vệ quê hương, cô cho rằng: “Mỗi người thể hiện lòng yêu nước là tham gia công tác có lợi ích cho dân, cho nước. Chỉ có lòng yêu nước, yêu dân là cái gốc của tất cả hành động, giúp mỗi người lớn lên về ý tưởng, nhận thức, vững vàng đi lên, hoàn thành tốt công việc của mình”.