Hòa chung hào khí những ngày tháng bảy, thiết thực kỷ niệm 61 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2008), đoàn Quận ủy Quận 1 do đồng chí Lê Bá Cần, Bí thư Quận ủy làm Trưởng đoàn cùng với 31 đồng chí Cựu chiến binh là cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia mở đường,nbsp; hành quân vào Nam trên con đường Trường Sơn huyền thoại đã đến viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Ngã ba Đồng Lộc từ ngày 23/7/2008 đến ngày 29/7/2008.
Cách thành phố Đông Hà 28 km, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sỹ, những ngôi mộ được xếp từngnbsp; khu vực theo tỉnh, thành phố, trải trên năm quả đồi trong khuôn viên gần 40 ha. Chiều ngày 25/7/2008, tại Đài tượng niệm khu trung tâm, đoàn Quận ủy, Hội Cựu chiến binh Quận 1 đã thành kính dâng hoa, thắp nén hương tưởng nhớ và nghiêng mình cúi đầu trước vong linh những anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống vì sự trường tồn của đất nước. Trong buổi lễ, đồng chí Bí thư Quận ủy đã phát biểu thể hiện tấm lòng tri ân vô hạn của lãnh đạo Đảng, Chính quyền và nhân dân Quận 1 đối với sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sỹ. Anh em trong đoàn hầu như không cảm nhận cái nóng rát của gió Lào miền Trung mà chỉ cảm nhận sự nóng rần trên đôi gò má của mỗi người, cùng những giọt nước mắt nghẹn ngào, xúc động. Sau lễ tưởng niệm ở khu trung tâm, đoàn cũng đã đến viếng bia mộ do Quận 1 lập để đời đời tưởng nhớ công lao các anh hùng, liệt sỹ tại khu mộ các tỉnh thành phía Nam. Rời Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, chúng tôi vẫn bồi hồi, xúc động cùng những ký ức, hoài niệm chợt tràn về mỗi khi nhắc đến địa danh Trường Sơn lịch sử. Cũng trong buổi chiều hôm ấy, tiếp sau Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh là đoàn cán bộ lãnh đạo, đồng bào, chiến sỹ tỉnh Quãng Trị, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh đến viếng, dâng hoa, thắp hương và thắp nến tưởng niệm nhằm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” đối với các anh hùng, liệt sỹ trong những ngày tháng bảy thiêng liêng.
Tiếp tục chuyến đi về nguồn, chiều 26/7/2008, đoàn Quận 1 đã đến viếng, thắp hương tưởng niệm tại 10 ngôi mộ của 10 nữ chiến sĩ anh hùng đã ngã xuống để cho những đoàn quân từ hậu phương nối liền với tiền tuyến. Ngã ba Đồng Lộc – cái tên đã đi vào lịch sử dân tộc và gắn liền với những chiến công của các đơn vị Thanh niên xung phong trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thắp từng nén hương, dâng từng cành huệ trắng, đặt từng vật dụng cá nhân lên từng ngôi mộ các chị; mỗi người trong đoàn đều khấn nguyện và thật cảm phục trước sự dũng cảm, gan dạ, đức hy sinh cao cả của các chị – những chiến sỹ đội quân tóc dài Việt Nam. Chính các chị đã làm nên một Ngã ba Đồng Lộc lịch sử; các chị đã tấu lên khúc tráng ca mang âm hưởng hào hùng, giàu chất thơ, trung thực với sự thật lịch sử, phản ánh một cách sinh động thế giới nội tâm với lòng khao khát yêu đời và thiết tha niềm tin vào ngày chiến thắng, dù trong tình huống ngặt nghèo của mưa bom, bão đạn hay trong những khoảnh khắc bình yên gần gũi.
Trong chúng tôi, sẽ có người quay lại nơi đây nhưng cũng có người không thể có điều kiện quay lại viếng nghĩa trang Trường Sơn; Ngã ba Đồng Lộc. Thế nhưng, trong chuyến đi lần này, chúng tôi đã gởi trọn niềm tự hào, sự kiêu hãnh và trân trọng trước sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ, 10 nữ Thanh niên Xung phong. Và thầm nguyện các anh, các chị truyền tiếp sức mạnh, niềm tin để thế hệ hôm nay tiếp bước con đường cách mạng phía trước. Hôm nay và mãi mãi về sau, chúng tôi hứa tiếp bước con đường mà các anh, các chị đã chọn, nối tiếp sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, của Bác Hồ kính yêu; Ra sức bảo vệ và xây dựng nước Việt Nam vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trong chuyến hành trình đầy ý nghĩa, đoàn Quận 1 cũng đã có dịp đến tham quan những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đất nước Việt Nam như: Lăng Vua Tự Đức; Thành Nội Huế – Hoàng cung của các thời Vua triều Nguyễn; Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải (Vĩ tuyến 17 là nơi chứng kiến sự chianbsp;cắt 2 miền Nam – Bắc Việt Nam từ năm 1954 – 1975); Dòng sông Thạch Hãn – Nơi được xem như là nghĩa trang không bia mộ; ngày đó hàng vạn người lính bơi qua sông Thạch Hãn để vào Thành cổ Quảng Trị và nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại với dòng sông “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ; Đáy sông còn đó bạn tôi nằm; Có tuổi hai mươi thành sóng nước; Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”; Bệnh xá bác sĩ Đặng Thùy Trâm tại Quảng Ngãi.
Một chuyến đi vỏn vẹn chỉ bảy ngày nhưng những gì thu nhận được là rất lớn… Chúng tôi như có thêm sức mạnh để tiếp bước chặng đường dài phía trước.