Học tập phong cách Hồ Chí Minh

5

Ngày 12/6/2013, Liên đoàn Lao động quận tổ chức buổi tập huấn học tập và làm theo phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các bộ công đoàn cơ sở tham dự.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng – Trưởng khoa Xây dựng trường Cán bộ thành phố báo cáo khái niệm “phong cách” ở một con người; phong cách thường gắn với một vĩ nhân và được quần chúng hâm mộ, noi theo. Bác Hồ là người hội tụ những tinh hoa đẹp nhất đã làm nên phong cách Hồ Chí Minh với vai trò là một anh hùng giải phóng dân tộc, một nhà văn hóa, một lãnh tụ cộng sản thiên tài của Đảng, một chiến sĩ cộng sản Quốc tế lỗi lạc… Bác thể hiện 5 phong cách điển hình: tư duy độc lập, sáng tạo; diễn đạt ngắn gọn, trong sáng, dễ hiểu; làm việc hết khả năng và hiệu quả; ứng xử lịch thiệp, chân thành, nồng ấm tình người và là bậc thầy trong đối nhân xử thế; sinh hoạt thanh cao, trong sạch, điều độ, không chạy theo danh vọng… Phong cách của Bác thể hiện rõ nét nhất ở tính quần chúng, dân chủ và nêu gương.

Học tập Bác, yêu cầu cán bộ – đảng viên cần gần dân, hiểu dân, thấu hiểu những mong muốn cụ thể, thiết thực của người dân với 6 điều dân vận thuyết phục: óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, miệng nói, tay làm, chân đi. Theo Bác, tính dân chủ thể hiện ở việc cán bộ phải năng xuống cơ sở, hòa mình với quần chúng, tin quần chúng, lắng nghe dân, hiều dân, không sợ nói sự thật; thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và mở rộng dân chủ để phát huy sức mạnh của tập thể… Hồ Chủ Tịch là người luôn sống mẫu mực, luôn nêu gương sáng trong công việc cũng như trong đời thường, theo Người: nêu gương thì trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Nêu gương với mình, với người và công việc. Đặc biệt “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.