Năm 2007, quận 1 đã tổ chức Hội thi Tiểu phẩm tuyên truyền “Nếp sống văn minh đô thị và an toàn giao thông”, đã có 11 tiểu phẩm tự biên được chọn tham gia biểu diễn lưu động tại 3 điểm cụm phường Nguyễn Cư Trinh – Tân Định – Cô Giang: phản ánh những vấn đề xảy ra trong cuộc sống hàng ngày về môi trường Xanh – Sạch – Đẹp, nếp sống văn hóa văn minh khu đô thị, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống tệ nạn ma túy, xây dựng tình làng nghĩa xóm, đả phá những thói xấu trong xã hội, thực hiện an toàn giao thông… Giải Nhất Hội thi thuộc về Tiểu phẩm “Vượt lên chính mình” của phường Cô Giang – Một câu chuyện xúc động và chứa chan tình người trong một khu phố nghèo!
Trong Hội thi, có một người phụ nữ đã khá lớn tuổi lặng lẽ ngồi xem một mình, đôi mắt luôn chăm chú dõi theo từng động tác của các diễn viên trên sân khấu và thật bất ngờ khi cô chính là người cuối cùng tiến lên bục vinh quang để nhận giải thưởng: Giải Nhất xứng đáng cho một vở diễn mà ở đó hầu hết diễn viên đều diễn xuất thần, bởi tất cả những gì diễn ra trong tiểu phẩm đều xuất phát từ chính cuộc đời!
Câu chuyện diễn ra ở một khu phố nghèo và có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu: Hai mẹ con nhà nghèo côi cút sống dựa vào nhau trong tình thương yêu bao bọc của những người hàng xóm cũng rất nghèo. Điểm sáng của cậu bé 16 tuổi – nhân vật chính trong vở kịch là tấm lòng hiếu thảo với mẹ. Tuy sống bất chấp, nhưng cậu vẫn luôn cúi đầu nhỏ bé trước người mẹ của mình. Nhưng ma túy – thông qua đám bạn ăn chơi đua đòi hút xách, đã kịp tóm lấy cậu, dìm cậu vào bùn đen… Thật may xung quanh vẫn còn một xã hội đầy tình người, đó là những người có trách nhiệm trong khu phố – Hội phụ nữ – những Đoàn viên thanh niên trẻ tuổi – cô Bí thư Đoàn tận tụy… kịp đến và giang vòng tay kéo cậu lên. Và những giọt nước mắt xót xa của người mẹ đã giúp người con quyết tâm đi cai nghiện. Khi trở về, quyết cự tuyệt trước sự lôi kéo, quyến rũ trở lại con đường xấu của đám bạn cũ hư hỏng, nghiện ngập. Vở kịch kết thúc có hậu: nhân vật chính trở về với vòng tay yêu thương của người mẹ, của cộng đồng khu phố, được sắp xếp công ăn việc làm ổn định…
Tôi đã găp người phụ nữ đó, linh hồn của vở kịch, cũng là tác giả kịch bản, kiêm đạo diễn. Cô là Nguyễn Thị Nguyệt – Bí thư chi bộ – Chủ nhiệm khu phố Văn hóa 4… Cô cho biết: Câu chuyện trong vở kịch có thật xảy ra ở khu phố từ vài năm trước. Cậu bé tên là Giàu nhưng nhà cậu lại rất nghèo, gia đình có 4 người con nhưng không nuôi nổi phải đem cho một đứa, một đứa bị chết khi còn trẻ và cậu thì bị sa vào ma túy ở tuổi 17 – lứa tuổi đẹp nhất của đời người. Cả khu phố đã đến với gia đình cậu bằng mọi hình thức, vận động cậu từ bỏ ma túy… Nhưng đã muộn, Giàu đã bị căn bệnh AIDS quật ngã. Giây phút cuối cùng trong đời, người mà cậu mong gặp nhất chính là cô Bí thư chi đoàn, để nói lời xin lỗi muộn màng đối với cuộc đời mà cậu đã tự vứt bỏ!. “Nhưng cái chết của cậu chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả!”. Khu phố vào cuộc, quyết tâm rà soát và đưa 32 con nghiện đi cai, kết hợp với Tổ xây dựng của anh Sang trong khu phố để giúp những em đã cai xong có việcnbsp; làm, có lao động lành mạnh giúp quên được ma túy. Gia đình nghèo được giúp vốn, giúp nghề để thoát nghèo. Người anh của Giàu được trợ vốn mua xe máy, chạy xe ôm nuôi người cha già bệnh tật. Khu phố vận động, quyên góp xây tặng gia đình Giàu một căn nhà tình thương để thay thế cho căn nhà cũ đã mục nát.
Với nỗ lực của cả Chi bộ và các đoàn thể khu phố, thông qua các buổi sinh họa, giao lưu đã làm thay đổi dần nhận thức của người dân. Xây dựng khu phố văn hóa nên bắt đầu từ những người phụ nữ và phụ nữ trong khu phố dần dần nhận thức vị trí trong gia đình, giữ gìn hạnh phúc gia đình bằng việc chi tiêu hợp lý, phương pháp nuôi dạy con khoa học, xây dựng quan hệ vợ chồng – con cái, giải quyết những mâu thuẫn khu phố qua những buổi hòa giải, thực hiện tình làng nghĩa xóm… Chi hội phụ nữ đã giúp 4 gia đình thường xuyên cãi vã, gây lộn trở nên sống êm ấm, thuận hòa. Bà con đã bỏ dần những thói quen như nói tục, chửi thề và những hành vi kém văn hóa khác…
Tự đánh mất hay vượt lênnbsp; chính mình để làm lại cuộc đời, đó là câu chuyện đã được hóa thân thành một vở kịch từ những người thật việc thật. Những gì còn đọng lại trong tôi, cũng như những người có mặt trong đêm diễn ấy là nét đẹp của tình người trong cộng đồng, trong một khu phố – Điều đó khiến ai cũng rưng rưng vì xúc động.